Qua quá trình vật vã va vấp và nghiền ngẫm của bản thân, đối chiếu với những thiếu sót hoặc ngộ nhận của các CEO khởi nghiệp đã có dịp tiếp xúc và hỗ trợ (đào tạo, đỡ đầu), tôi có một số đúc kết xung quanh việc đọc sách, hy vọng là sẽ có ích cho mọi người (và một số nhà quản lý có kinh nghiệm).

1. Nên đọc gì, và không nên đọc gì?

Chắc chắn là phải đọc sách rồi. Nhưng không phải cứ đọc nhiều hơn là tốt hơn.

Khi nhìn nhận dấu hiệu của những người thất bại, tôi dễ nhận ra 2 loại người sẽ dễ thất bại:

* NGẠI CHỮ: Người không chịu đọc, phủ nhận hay đánh giá thấp vai trò của sách, của kiến thức mới. Mở miệng ra là địa phương, ngành hay doanh nghiệp của mình đặc thù quá, không sách nào giải thích nổi. Tôn sùng kinh nghiệm “thực chiến” một cách thái quá. Hùng hục lao lên phía trước và hy vọng đụng chuyện rồi sẽ giải quyết được. Đường đến núi tự sẽ có lối rẽ mà.

* NGỘ CHỮ: Người đọc sách quá nhiều, suốt ngày suy tôn sách, khoe hết cuốn này đến cuốn khác. Người khác hỏi một câu thì khoe một danh sách dài dằng dặc những cuốn sách. Có người vì biết nhiều quá nên nhát tay, rụt rè trong việc ứng dụng. Cũng có người vì đọc nhiều mà thiếu đúc kết, nên họ không biết ứng dụng gì và không nên ứng dụng gì.

Hoặc ứng dụng nhưng đến khi hơi đụng chuyện, thấy kết quả chưa mong muốn, ngay lập tức đổi ngoăn ngoắt sang một trường phái khác, tuyệt chiêu khác, cuốn sách khác. Có đôi người do vốn sống & vốn kiến thức không sâu, không rộng nên đọc cuốn nào thì bị chìm đắm trong không gian “tôn giáo” của cuốn sách đó: gặp chuyện gì cũng mong chữa được bằng kiến thức mới nhặt được ở cuốn sách đó ra.

Người thành công là người:

  • Làm được, làm thật, làm tốt những gì họ đã hiểu, đã biết trong quá trình trải nghiệm thực tế trước đó. Đến khi gặp những vấn đề mới, tư duy 360 độ, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác hay từ kiến thức quản trị. Nhưng chỉ tập trung nghiền ngẫm những gì liên quan và hữu ích mà thôi chứ không quá lan man bên ngoài.
  • Lựa chọn một mảng hoặc một ngành quan tâm. Nghiên cứu và nghiền ngẫm, tìm kiếm mô hình và kiến thức (cách thức và các best practices) một cách thực sự sâu sắc trước khi bắt đầu làm hay khởi nghiệp. Dĩ nhiên, trong quá trình thực hiện, có thể sẽ đụng thực tế phong phú. Khi đó, sẽ phải tìm hiểu thêm và điều chỉnh các vận dụng.

Cả hai nhóm đó đều không đọc lan man.

Vậy các bạn khởi nghiệp bây giờ nên đọc gì?

Có 7 cuốn sách mà tôi khuyến nghị các bạn khởi nghiệp đọc khi mới bắt đầu như sau:

  1. 7 Habits (Stephen R. Covey): để trở thành một người làm việc hiệu quả. Dù là ông chủ, CEO hay người làm thuê thì trước tiên bạn phải là người làm việc hiệu quả cái đã. Còn nếu không thì làm gì rồi cũng thất bại mà thôi. Cuốn này đã được dịch ra tiếng Việt bởi 2 nhà xuất bản khác nhau. Bạn tự tìm và chọn. Bản dịch đạt 90-95% nguyên bản.
  2. Lean Startup (Eric Ries): để biết cách khởi nghiệp tinh gọn. Đã có bản tiếng Việt. Tôi chưa đọc bản dịch.
  3. Disciplined Entrepreneurship (Bill Aulet): phương cách khởi nghiệp không nước mắt (ít rủi ro). Viết tốt và dễ hiểu. Tôi chưa đọc bản dịch.
  4. Business Model Generation (Khởi tạo mô hình kinh doanh, Alexander Osterwalder và Yves Pigneur). Chỉ cần đọc phần 1. Mấy phần sau đọc khó quá, tốn nơ rôn. Phải sau vài năm trầy trụa thì bạn mới nên đọc tiếp phần 2 & 3. Đã dịch ra tiếng Việt. Bản dịch được khoảng 80%-85% nguyên bản (bản dịch lần 1, lần 2 tái bản có sửa chữa tôi chưa đọc).
  5. Blue Ocean Strategy (Chiến lược Đại dương xanh, Chan Kim và Renée Mauborgne): để chọn một chiến lược cạnh tranh phù hợp. Đây không phải là cuốn sách quá xuất sắc về chiến lược. Nhưng cho đối tượng khởi nghiệp, không đòi hỏi kiến thức nền tảng quá sâu thì đây lại là cuốn sách dễ đọc. Đã dịch tiếng Việt, khá ổn.
  6. Execution (Thực thi): để quản trị quá trình hiện thực hoá ý tưởng/mô hình thành sản phẩm dịch vụ theo một cách thức hiệu quả nhất. Đã dịch tiếng Việt, tôi chưa đọc bản dịch.
  7. Startup CEO (Cẩm năng CEO khởi nghiệp): những kiến thức tổng hợp cần thiết cho CEO khởi nghiệp ở mức độ cần thiết. Đã dịch tiếng Việt, bản dịch khá ổn (tôi chưa đọc kỹ).

Từ những kiến thức nền trong 7 cuốn sách này, các bạn có thể tự phát hiện những chỗ mình còn thiếu, và bổ sung kiến thức bằng những cuốn sách khác.

2. Giữa sách và thực tế nhiều khác biệt quá. Giữa các tác giả khác nhau cũng khác nhau quá.

Đa phần sách đều viết hoặc khái quát hoá (hy vọng phù hợp với nhiều trường hợp hơn), hoặc đặc thù hoá (sâu cho một nhóm nào đó hơn). Loại đầu sẽ làm cho nó không gần thực tế với tất cả mọi người. Loại sau sẽ làm cho nó không phù hợp với những ngành khác ngành được tập trung. Chưa kể không ít sách bây giờ khá nhảm, viết cho có, viết để khoe, viết để bán sách.

Tác giả viết sau đôi khi lại vì cái tôi chuyên môn mạnh quá, hoặc vì muốn bán được sách mà cố gắng viết khác những người viết trước. Cho dù sự khác biệt (tỏ ra) ấy đôi khi là không cần thiết.

Trong số những cuốn sách viết tâm huyết thì vẫn có những cuốn bị hiệu ứng “miệng giếng của chú ếch” nên đôi khi đúng cho ngành này, cho văn hoá/địa bàn này, cho tính cách này mà chưa hợp với nhóm tính cách khác.

Do đó, những cái sự vênh hay khác biệt là dễ hiểu. Độc giả chúng ta cần biết gạn lọc khơi trong.

3. Nên đọc như thế nào?

Đầu tiên là bạn nên xây một Cây kiến thức trong đầu của mình. Những khái niệm bạn đã biết và những gì bạn chưa biết cùng mối liên hệ giữa chúng với nhau.

Với cá nhân tôi, một cuốn sách đáng đọc thì nên đọc ít nhất là 3 lần:

  • ĐỌC ĐỂ BIẾT: Bắt đầu bằng việc đọc Lời nói đầu và tra Mục lục để biết mình cần đọc gì thêm (bên cạnh những gì đã biết trong Cây kiến thức). Thường thì mỗi cuốn sách bây giờ tôi chỉ đọc khoảng 20-30% số trang. Khi đọc, liên hệ với những gì bạn đã biết (trong Cây kiến thức của mình). Nếu có vênh, hoặc có gì thú vị hơn những điều bạn đã biết, thì đọc ngược/chéo lại những phần liên quan (xem mục lục, glossary hoặc index). Quá trình này sẽ điều chỉnh hoặc bổ sung thêm các khái niệm trong Cây kiến thức. Tuyệt đối không nên đọc từ đầu đến cuối như thói quen từ thời học tiểu học. Cách đọc này sẽ giúp ta tiết kiệm thời gian, tập trung vào giá trị, và tránh bị sa vào không gian ảnh hưởng mà cuốn sách cố tạo nên.
  • ĐỌC ĐỂ HIỂU: Sau một khoảng thời gian tiêu hoá, nghiền ngẫm: đọc lại cuốn sách một lần nữa toàn diện từ đầu đến cuối để hiểu tinh thần xuyên suốt của cuốn sách. Quá trình này thêm/thay mối liên hệ giữa các khái niệm trong Cây kiến thức.
  • ĐỌC ĐỂ THẤM: Chọn lọc ra một vài hành động sau cuốn sách ấy (1-3 là đã nhiều). Làm thử (hoặc ít nhất là ước lượng thử) và suy xét kết quả. Giải thích xem tại sao lại có kết quả như vậy. Trên cơ sở đó, đọc lại cuốn sách và nghiền ngẫm & điều chỉnh. Quá trình này sẽ làm rung lắc và tinh luyện Cây kiến thức.

Chúc các bạn tìm kiếm được những cuốn sách hữu ích cho mình, và sử dụng chúng một cách hiệu quả.

Trần Bằng Việt – CEO Dong A Solutions

Bài gốc