Có bạn nhắn tin hỏi: Anh ơi, em bắt đầu “social selling” không cần vốn thì có thể gọi là khởi nghiệp không?

Theo các bạn thì thế nào?

Về mặt ý nghĩa của từ, “khởi nghiệp” hiểu nôm na là bắt đầu (khởi) một nghề nghiệp, sự nghiệp (nghiệp). Đây là khái niệm đã có từ lâu đời, thậm chí cách đây 2500 năm Khổng Tử đã đề cập đến “khởi nghiệp” khi nói “tam thập nhi lập”. Và như đã chia sẻ trong một buổi “live stream” gần đây, chúng ta khởi nghiệp để trước hết tìm kiếm sự tự do tài chính, hướng tới sự tự do toàn diện bởi tôi cho rằng mẫu số chung trong đích đến của mỗi cuộc đời chính là SỰ TỰ DO.

Như vậy, nếu bạn bắt đầu một công việc để tìm kiếm, hướng đến sự tự do tài chính, thì dù là làm thuê hay làm chủ, trong bạn, tâm trí đã bắt đầu khởi nghiệp. Tất nhiên, khởi nghiệp kinh doanh là cả một quá trình dài và đòi hỏi nhiều hơn thế. Trở lại câu hỏi trên, trước hết, “social selling” là quá trình phát triển các mối quan hệ như là một phần của quy trình bán hàng.

Hay nói cách khác, “social selling” là bán hàng qua việc xây dựng các mối quan hệ. Ngày nay việc này thường được người ta thực hiện trên môi trường mạng xã hội (Facebook, Linkedin, v.v…) nhưng không nhất thiết phải thực hiện online. Bằng việc phát triển các mối quan hệ, xây dựng niềm tin với khách hàng tiềm năng/tương lai, bạn chính thức bắt đầu bán hàng.

Tuy bạn nói “không cần vốn” nhằm ám chỉ “không cần tiền”, nhưng kỳ thực quá trình này của bạn đã sử dụng rất nhiều nguồn vốn quan trọng, bao gồm thời gian, sự cam kết của bạn và đặc biệt là “vốn quan hệ” – thứ quý giá không dễ gì mua được bằng tiền.

Khi nêu câu hỏi “có phải là khởi nghiệp không?”, có lẽ bạn bối rối vì thấy ngày nay người ta nói nhiều đến khởi nghiệp và bao giờ bao gồm ứng dụng công nghệ để bứt phá. Trong khi mình chỉ bán một hay một số sản phẩm cụ thể (bán hàng thông thường) để tìm kiếm lợi nhuận.

Yên tâm, nếu “social selling”, hay làm bất cứ cách thức nào khác, để bán hàng nhằm tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm sự tự do, bạn đã chính thức bước chân lên con tàu khởi nghiệp kinh doanh, và trong trường hợp của bạn có lẽ là kinh doanh nhỏ (small business). Vậy khởi nghiệp kinh doanh nhỏ (small business) có khác với khởi nghiệp sáng tạo (startup) – thứ đang rất mốt không?

Có chứ. Các bạn nghe tôi kể chuyện sau như một ví dụ nhé. An và Bình là hàng xóm của nhau. Cả hai đều thấy họ cần có thêm bóng mát ở sân sau nhà mình. Nghĩ là làm ngay, Bình ra tiệm mua một cái dù lớn, dù hơi mắc tiền một chút nhưng có xài ngay, đỡ mệt đầu.

An lại chọn hướng khác, cô rủ bạn của mình là Pha đi ra chợ cây và mua về nhà một cây nhỏ. Ai cũng nghĩ An bị khùng, và quả đúng là cô ấy có tí khùng thật, vì sau khi trồng vào sân sau, bóng mát của cây chỉ đủ cho vài con kiến!

Đã vậy, trong khi Bình ung dung ngồi cà phê chém gió dưới bóng mát của dù thì ngày nào An cũng phải đằm mình trong nắng gắt để tưới cây, nhỏ cỏ. Thế mà cũng chẳng ăn thua. Được vài tuần cây chết, vì không hợp thổ nhưỡng.

An không bỏ cuộc, cô lại cùng Pha tiếp tục chọn các loại cây khác để trồng. Cuối cùng một trong số cây họ hú họa chọn về đã bám rễ và phát triển rất nhanh. Dù vậy, nó vẫn chưa tạo được bóng mát cũng không cho quả, trái lại còn hút rất nhiều nước, và tiêu tốn vố số công sức thời gian và tiền bạc của An và Pha.

Nhưng rồi mấy năm sau cây của An cũng lớn. Nó tỏa bóng mát không chỉ cho sân sau nhà An mà còn cho mấy nhà lân cận hưởng sái. Cây còn cho quả và nhiều lợi ích khác nữa. Trong khi đó cái dù của Bình mua thì vẫn vậy. Không lớn hơn, không cho quả, thậm chí còn bị xập xệ đi.

An và Pha trồng cây là là ví dụ về một “startup”, còn Bình mua dù là ví dụ về “small business”. Một “small business” là một tổ chức tự tồn tại được thiết kế với mục đích tạo ra doanh số, thậm chí là lợi nhuận, ngay từ ngày đầu tiên. Nó không đòi hỏi nhiều đầu tư và ít rủi ro hơn so với “startup”, tuy nhiên, nó không có khả năng mở rộng (upside), ít có cơ hội trở thành to lớn.

“Startup”, trái lại, chẳng những không đưa đến lợi ích tức thời mà còn tiêu tốn rất nhiều nguồn lực, và đa phần thất bại trước khi có được một dự án, sản phẩm thành công. Nhưng một khi đã thành công, sản phẩm của “startup” có thể tạo ra nhiều lợi ích một cách dài hạn, có thể nhân rộng, trở thành vĩ đại và có thể tạo “mầm để mọc thêm các cây con”.

TuấnOZ – Cố vấn Kinh doanh tại Sydney BizAdvisorOnline